Không đẹp hoa lệ như các tỉnh đồng bằng phát triển, Lai Châu nói chung và Phong Thổ nói riêng vẫn sở hữu một nét đẹp thuần khiết, nguyên sơ. Nhưng chính nét đẹp ấy lại tạc vào lòng du khách những vẻ đẹp khó quên. Hãy cùng Blog Phượt đến đây để thưởng thức lễ hội cơm mới, lễ hội Nàng Han, chợ phiên Dào San và những cung đường tuyệt đẹp, để biết điều gì đã tạo nên nét đẹp nguyên sơ của vùng đất này.
1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHONG THỔ
Phong Thổ là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Lai Châu, đây là một huyện có điều chỉnh địa giới các năm 2001 và 2004 để thành lập thị xã Lai Châu mới. Ban đầu, Thị xã Lai Châu mới nằm trọn trong lòng huyện, hiện tại khu vực này là huyện Tam Đường. Huyện lỵ là thị trấn Phong Thổ (mới).
Ngoài ra còn có 17 xã: Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Ma Ly Chải, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Mù Sang, Tung Qua Lìn, Dào San, Bản Lang, Ma Ly Pho, Hoang Thèn, Khổng Lào, Nậm Xe, Mường So, Sin Súi Hồ, Lản Nhì Thàng, Huổi Luông.
Vị trí
Huyện có phía bắc giáp Vân Nam - Trung Quốc, phía tây là huyện Sìn Hồ, phía đông là huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai, phía nam giáp huyện Tam Đường.
Địa hình
Địa hình núi trung bình và núi thấp xen thung lũng cacxtơ (gần 70% diện tích có độ dốc lớn trên 25o), không có cánh đồng lớn, có đỉnh núi Bạch Mộc Lương cao 2.998 m và sông Nậm Na chảy qua.
2. THỜI GIAN CÓ THỂ ĐẾN phong thổ
Vào rằm tháng 9 (âm lịch) hàng năm, tại xã Mường So diễn ra lễ hội Cơm mới, nếu như muốn tìm hiểu nét văn hóa độc đáo nơi đây, bạn có thể đến Phong Thổ vào thời gian này. Ngoài ra, chợ phiên Dào San họp vào ngày thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần ở trung tâm xã Dào San, mang đậm nét đặc trưng của con người Phong Thổ. Vì thế bạn có thể đến đây bất kì thời điểm nào trong năm để tham dự phiên chợ thú vị này.
Tuy nhiên, nếu như đi phượt, cung đường của bạn có nhiều điểm dừng chân khác nhau thì bạn có thể lựa theo thời gian ở nhiều điểm dừng chân còn lại như SaPa, Điện Biên,…
3. KHÁCH SẠN, NHÀ NGHỈ Ở PHONG THỔ
Dưới đây là danh sách khách sạn, nhà nghỉ ở Phong Thổ mà bạn có thể lựa chọn để dừng chân:
Khách sạn Hoàng Lan
Địa chỉ : Thị trấn Phong Thổ, Phong Thổ, Lai Châu
Điện thoại : 0231 3896264
Khách sạn Lan Anh II
Địa chỉ : Thị trấn Phong Thổ, Phong Thổ, Lai Châu
Điện thoại : 0231 3896337
Khách sạn Phương Thanh
Địa chỉ : Thị trấn Phong Thổ, Phong Thổ, Lai Châu
Điện thoại : 0231 3897508
4. CÁC ĐỊA DANH NỔI TIẾNG TẠI PHONG THỔ
Đến Phong Thổ, bạn dễ dàng bắt gặp những con đường khúc khuỷu, dốc lên dốc xuống, có những đoạn có những khúc cua hình chữ Z,… Tuy nhiên, vẻ đẹp của sẽ làm bạn quên ngay đi những khó nhọc bạn vừa phải vượt qua.
Bản Vàng Pheo
Bản Vàng Pheo thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái trắng. Dân bản Vàng Pheo mến khách, cảnh sắc núi rừng thơ mộng, nên đã cuốn hút biết bao du khách đến với nơi này.
Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km, bản Vàng Pheo hiện lên trong một chiều nắng thật đẹp. Bản có vị trí thiên thời, địa lợi, nằm ngay bên núi Phu Nhọ Khọ, ngọn núi được ví như một mĩ nhân. Đây là nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm. Vàng Pheo có nhiều ngôi nhà cổ nằm nép mình bên những ruộng lúa xanh trong không gian thanh bình, yên tĩnh.
Bản Vàng Pheo là nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn cổ, một nét đặc biệt làm nên bản văn hoá. Người Thái trắng ở Vàng Pheo rất hiếu khách. Trẻ em thì lễ phép, người già thì ôn hoà, họ sẵn lòng mời khách dùng cơm, thưởng thức những bữa ăn giản dị, món ăn truyền thống và mang đậm bản sắc riêng như: cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp, canh rau đắng và uống rượu bên bếp lửa bập bùng ấm áp.
Bản Vàng Pheo cũng là nơi có nhiều lễ hội, lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Mỗi lễ hội có một bản sắc riêng như lễ hội: Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội bản Vàng Pheo có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: ném còn, đẩy gậy, tù lu. Vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ hội, du khách đổ về đây rất đông để khám phá một không gian Tây Bắc êm đềm và cuộc sống giản dị của đồng bào dân tộc, được hoà mình trong điệu múa, lời ca của đồng bào mà “say tình”, ngây ngất với sắc màu của vùng cao.
Suối nước nóng Vàng Bó
Nằm trong một bản làng bình yên, có đường quốc lộ chạy qua, hiện nay khu du lịch suối nước nóng Vàng Bó đã được UBND tỉnh quy hoạch trên diện tích 16ha, trong danh mục các dự án được nghiên cứu đầu tư phát triển về du lịch Lai Châu giai đoạn 2006 – 2020. Khu du lịch suối nước nóng Vàng Bó gắn với cụm điểm du lịch Mường So và khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được quy hoạch trên quy mô 100ha. Phân kỳ vốn đầu tư để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khung theo 3 giai đoạn (2006 – 2010, 2010 – 2015, 2015 – 2020). Trong đó, suối nước nóng Vàng Bó được xếp vào nhóm điểm du lịch có ý nghĩa địa phương: độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch.
Điểm thuận lợi hơn là suối nước nóng Vàng Bó nằm trong tua du lịch tuyến thành phố Lai Châu – Phong Thổ – Sìn Hồ (theo đường quốc lộ 4D, 12, tỉnh lộ 128); tuyến du lịch liên tỉnh từ Sa Pa (Lào Cai) qua Vàng Bó (Lai Châu) và trở về Điện Biên Phủ thăm các di tích lịch sử. Từ cửa khẩu đường bộ Ma Lù Thàng, Vàng Bó có thể tham gia vào tua du lịch tuyến từ Trung Quốc – Ma Lù Thàng – Phong Thổ – thành phố Lai Châu – Điện Biên Phủ sau đó đi các tỉnh phụ cận.
Cửa khẩu Ma Lù Thàng
Cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện. Ma Lù Thàng là cửa khẩu cách các trung tâm kinh tế trong nước khá xa, chỉ có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ. Một tồn tại của cửa khẩu nữa là hệ thống giao thông khá yếu chưa đáp ứng được các xe trọng tải lớn.
Pu Ta Leng
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Pu Ta Leng theo tiếng H’Mông gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi. Với chiều cao 3.049m so với mặt nước biển, chỉ đứng sau đỉnh Fansipan (3.413m), Pu Ta Leng còn được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”, cũng gọi “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”.
5. CHỢ PHIÊN DÀO SAN
Chẳng biết phiên chợ ấy có tự khi nào, người già không nhớ nữa, người trẻ cũng chẳng hỏi lại. Chỉ biết cứ đến ngày con có sừng trên tờ lịch, họ lại đến phiên chợ – nơi gặp gỡ, mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con 8 xã vùng cao Phong Thổ.Được biết, ngày con có sừng là ngày Sửu và ngày Mùi tính theo 12 con giáp của lịch âm nên chợ Dào San còn được gọi là “chợ sừng. Người dân ở trong vùng quan niệm 2 loài vật này mang lại đời sống no ấm nên cứ “đến hẹn” đủ 6 ngày họ lại xuống chợ một lần”.
Phải chờ đợi đến ngày chợ phiên nên từ trước ngày xuống chợ đã thấy mọi người hồi hộp lắm. Cánh đàn ông tranh thủ mổ lợn xếp vào bao tải để sáng mai vác xuống chợ bán. Chị em phụ nữ xúm xít lựa chọn bộ váy đẹp để mẹ, con xúng xính xuống chợ. Chợ đem lại những niềm vui ngoài sự mua bán, nên chẳng lạ gì khi thấy người vùng cao thích đi chợ, yêu chợ đến thế.
Những sản vật được đem đi bán cũng mang hương vị núi rừng rất riêng: ấy là mật ong, gạo nếp nương, là mắc khén, măng đắng, thảo quả hay những con dao được rèn rất khéo, những thẻ hương thơm lựng bán để cúng hôm rằm… tất cả đều là những món “cây nhà lá vườn”.
Chợ phiên tan, những người già ngồi ở góc chợ đợi bạn xưa cũ. Họ nhìn nhau, nhớ lại thời tuổi trẻ. Họ vẫn đến tìm nhau sau mỗi phiên chợ dù lưng đã còng, chân đã mỏi. Có phải vì thế mà người ta gọi chợ phiên miền vùng cao là “chợ tình”. Phiên chợ tình đưa lớp trẻ đến với nhau, gọi người già tìm lại cố nhân. Cũng vì thế, phiên chợ mang trong mình ý nghĩa nhân văn sâu thẳm hơn. Tan phiên chợ, người ta ra về với biết bao đồ dùng sinh hoạt song cũng có người ra về với cái tình quyến luyến gửi lại nơi chân mây, để chờ đến phiên chợ sau…
Chợ Dào San ngày nay họp thường xuyên vào những ngày chủ nhật, kể cả ngày trên lịch không in hình “con có sừng”. Nhưng dù như vậy thì vẫn còn y nguyên cái cảm giác đợi chờ trước mỗi ngày có chợ.
Phiên chợ Dào San nay không chỉ có cảnh bán mua của bà con 8 xã vùng cao mà thông thương phát triển, các thương lái từ xuôi lên cũng mang theo đủ thứ mặt hàng bày bán. Những “đặc sản” ở Dào San được thu mua, mang đến khắp nẻo xa gần để mọi người thưởng thức.
Đó không phải là một phiên chợ quá ồn ào, mà là một phiên chợ ngợp màu thổ cẩm. Dòng người xuống chợ tuôn dài như dải lụa màu giữa ngắt xanh núi, trắng tinh khiết mây khiến chợ Dào San ngày nay mang trong nó cả nét đẹp truyền thống pha với nét hiện đại. Ở nơi heo hút gió này, phiên chợ hiện lên như một bức tranh đa sắc, đáng thưởng ngoạn hơn hết với bất cứ khách du lịch nào từng đến với Lai Châu.
6. LỄ HỘI ĐẶC SẮC Ở PHONG THỔ
Ở Phong Thổ, có các lễ hội nổi bật như Lễ hội nàng Han, lễ hội cơm mới ở xã Mường So. Hãy cùng Blog Phượt tìm hiểu kỹ hơn những nét độc đáo của các lễ hội nơi đây:
Lễ hội nàng Han
Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng, được tổ chức vừa để tri ân Nàng Han, vừa mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm, tại bản Tây An xã Mường So. Vào ngày này, bà con dâng hương, hoa, nông sản, thực phẩm do chính bản làng làm ra.
Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của Nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm.
Lễ hội Nàng Han, trong trí nhớ của người già ở bản Vàng Pheo thì gồm sáu bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm, gồm: Tùng song tơ, Phái lệ tơ, Thá ớc, Thá hu nơ, Then hầu phét, Quát bó héo. Ðặc biệt, trong lễ hội có tới 32 bài múa dân gian của người Thái. Những người hát múa trong lễ hội được tuyển chọn khắt khe từ các cô gái trẻ trong bản, luyện tập công phu nhiều ngày. Ðến ngày chính lễ, đội múa này sẽ múa từ trong bản ra đến miếu thờ Nàng Han, nơi các vị chức sắc ngự xem.
Ðúng ngày chính hội, dân làng tập trung trước ngôi miếu thờ Nàng Han mới phục dựng để xem hát múa. Các thầy mo cúng lễ ngay ngoài trời. Vật phẩm dâng lên Nàng Han gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc của đồng bào Thái. Thầy mo cúng xong thì các cô gái trong đội múa với trang phục váy cóm thướt tha biểu diễn các bài dân ca truyền thống ca ngợi quê hương, tình yêu và công đức của vị nữ tướng anh hùng.
Lễ hội cơm mới
Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm mới) của người Thái trắng xã Mường So đã có từ rất lâu đời. Lễ hội là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các cư dân trên địa bàn toàn tỉnh. Qua nhiều năm, lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một trong đời sống và tiềm thức của người dân nơi đây.
Năm cuối cùng diễn ra lễ hội này là năm 1961, trải qua 46 năm gián đoạn, giờ đây lễ hội đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én, xã Mường So và được tổ chức đều đặn hàng năm. Ở lễ hội này, ta sẽ cảm nhận được sự giao hoà của đất trời, sự hoà quyện của âm dương và sự giao lưu của vạn vật. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một lễ hội cốm rất riêng mà không phải cộng đồng cư dân nào trong vùng Tây Bắc cũng thể hiện được.
Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Thái trắng Mường So, trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: lúa Lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa…
Trước hôm diễn ra buổi lễ một ngày, một bà cụ trong bản (đã được lựa chọn, phân công từ trước) có kinh nghiệm về làm cốm cùng với chủ ruộng và một tốp nữ của bản cùng ra đồng lấy lúa. Bà cụ tiến lên trước thửa ruộng rồi đọc lời khấn: "Qua quá trình cày cấy, chăm sóc giờ đây lúa ở ruộng đã chín vàng, lúa trên khắp cánh đồng đã chín. Con cháu sẽ tổ chức ăn cốm mới, xin với ông bà thổ địa được lấy lúa về làm cốm".
Chấm dứt lời khấn, bà cụ sẽ cắt một ít lúa trong ruộng đó làm mẫu rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa cần lấy. Dụng cụ để cắt lúa là dao và liềm. Những cô gái được chọn để cắt lúa cũng có những tiêu chuẩn nhất định: Đó phải là những cô gái còn trinh tiết, nếu là những người đã có gia đình thì đó sẽ là những gia đình thuận hoà yên ấm, con cái khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Theo quan niệm của người dân nơi đây chỉ những người đó lấy lúa về làm cốm mới thể hiện được sự trưởng thành, phương trưởng của con cháu, sự nguyên vẹn đối với các thần linh.
-Nguyễn Giang ST -